Sức mạnh của tính "dễ bị tổn thương"

Thứ hai - 10/10/2016 15:05
Bài viết dưới đây trích từ một quyển sách của tôi có tên Models: Attract Women Through Honesty (Hình mẫu: Thu hút phụ nữ bằng sự trung thực). Đây là một quyển sách lời khuyên hẹn hò dành cho đàn ông, nhưng cũng có rất nhiều phụ nữ cảm thấy những lời khuyên ấy hữu dụng và quan trọng. Đây là phần mở đầu của “Chương 3: Sức mạnh của tính dễ bị tổn thương”. Nếu bạn cảm thấy thích, mong bạn tìm mua sách.
Sức mạnh của tính "dễ bị tổn thương"

Đa số đàn ông khi nghe đến cụm từ “dễ bị tổn thương”, phản ứng tức thời của họ là liên hệ nó với sự yếu đuối. Nhìn chung, phái nam được nuôi dạy kìm nén cảm xúc, che giấu sự yếu đuối, và không màng đến nội tâm. Trên hết, đa số các lời khuyên tán tỉnh thường thấy đều động viên các chàng trai trở nên tách biệt, khó gần, thích phê phán và đôi lúc còn là chỉ trích phụ nữ.

Đàn ông có rất nhiều nhận định tiêu cực về quan điểm trở nên dễ bị tổn thương và mở lòng với những cảm xúc. Nhiều khả năng điều đó sẽ khiến bạn nghi ngờ và khó chịu khi đọc chương này.

Đừng lo, tôi sẽ không bảo bạn nắm tay một nhóm người rụt rè bẽn lẽn và đồng thanh hô những câu như, “Tôi yêu bản thân và là một người hạnh phúc.”

Tôi muốn bạn nghĩ về tính dễ bị tổn thương theo một hướng rộng hơn. Không chỉ là dễ bị tổn thương về cảm xúc (ta sẽ bàn về điều này), mà còn dễ bị tổn thương về cơ thể, dễ bị tổn thương về xã hội.

Ví dụ, trở nên dễ bị tổn thương không chỉ có nghĩa là sẵn lòng chia sẻ những nỗi sợ và bất an. Nó có thể mang ý nghĩa đặt bản thân vào trường hợp mà bạn có thể bị từ chối, kể chuyện cười mà không mắc cười, quả quyết với một ý kiến có thể gây phật lòng người khác, ngồi cùng bàn với những người bạn không quen, nói với một cô gái rằng bạn thích nàng và muốn cùng nàng hẹn hò. Tất cả những điều trên đòi hỏi bạn phải bằng một cách nào đó trở nên mạnh dạn. Bạn đang khiến bản thân trở nên dễ bị tổn thương khi làm những việc ấy.

Bằng cách này, tính dễ bị tổn thương đại diện cho một dạng sức mạnh, một thứ sức mạnh thâm sâu và khó nhận thấy. Một người đàn ông có khả năng làm mình trở nên dễ bị tổn thương sẽ nói với cả thế giới rằng, “Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì về tôi; đây là con người thật của tôi, và tôi không là bất kỳ ai khác.” Anh ta sẽ nói rằng anh ta không túng quẫn và có địa vị cao.

Đa số mọi người cho rằng người đàn ông dễ bị tổn thương là người co rúm ở góc phòng và cầu xin người khác chấp nhận mình hoặc không làm tổn thương mình. Đây không phải là tính dễ bị tổn thương, mà là sự nhu nhược và túng thiếu.

Hãy nghĩ theo hướng này, có hai người đàn ông. Một người có dáng đứng thẳng, luôn nhìn về phía trước. Luôn nhìn vào mắt người đối diện khi trò chuyện. Nói ra những suy nghĩ của mình và không quan tâm người khác nghĩ gì về anh ta. Khi mắc lỗi, anh ta không lấy làm nghiêm trọng và có khi còn xin lỗi. Khi tệ một việc gì đó, anh ta thừa nhận. Anh ta không ngần ngại thể hiện cảm xúc, ngay cả khi điều đó khiến anh bị từ chối. Anh ta vẫn có thể tiến tới với người không từ chối mình, nhưng thích anh bởi chính con người của anh.

Bây giờ, người đàn ông thứ hai có dáng người gù gù, mắt đảo xung quanh và luôn cảm thấy không thoải mái khi nhìn thẳng vào ánh mắt người đối diện. Anh ta khoác lên mình vẻ khó gần. Anh ta né tránh những chủ đề có thể gây khó chịu cho người khác, và đôi lúc còn nói dối để tránh mâu thuẫn. Anh ta luôn cố gắng gây ấn tượng với người khác. Khi mắc lỗi, anh ta đổ thừa cho người khác hoặc giả vờ như không có gì xảy ra. Anh ta che giấu cảm xúc và sẽ cười nói với mọi người rằng mình ổn nhưng thực chất là không. Anh ta cực kỳ sợ bị từ chối. Và khi bị từ chối, anh ta trở nên quay cuồng, giận dữ, và tìm cách giành lại tình cảm từ người không thích anh ta trong tuyệt vọng.

Ai trong số hai người đàn ông trên có uy thế hơn? Ai dễ bị tổn thương hơn? Ai thoải mái với bản thân hơn? Bạn nghĩ ai được phụ nữ yêu thích hơn?

Quay trở lại bối cảnh tiến hóa mà chúng ta đã thảo luận ở Chương 1, tính dễ bị tổn thương là một thước đo hoàn hảo cho phụ nữ về địa vị và sự phù hợp của người đàn ông. Lấy ví dụ có một bộ lạc gồm 20 người đàn ông, tất cả đều là thợ săn bắt, tất cả đều có tài sản tương đương nhau (hoặc chênh nhau không đáng kể).

Một số người đàn ông trong bộ lạc luôn phản ứng lại với những gì người khác nói với mình. Họ không nhận lỗi. Họ thay đổi hành vi và lời nói để có được sự tán thành từ người khác. Khi có chuyện không như ý muốn, họ luôn tìm cách đổ thừa cho người khác. Điều này nói lên điều gì về địa vị của họ trong bộ lạc? Nếu toàn bộ hành vi của họ đều dựa trên sự tán thành của người khác và họ luôn che giấu khuyết điểm, điều đó cho thấy họ có địa vị thấp, không đáng tin, túng thiếu, và có thể sẽ không là một người cha có thể trông cậy vào được.

Giờ hãy tưởng tượng những người đàn ông khác trong cùng bộ lạc ấy không tức giận hay bấu víu vào những người đàn ông khác xung quanh. Họ chỉ tập trung vào nhiệm vụ của mình và không thay đổi hành vi dựa trên những gì người khác nghĩ về họ. Khi bị thách thức, họ đấu tranh cho bản thân, nhưng khi sai họ cũng thừa nhận lỗi của mình, vì họ thấy không có lý do gì để che giấu khuyết điểm. Họ cũng có lòng tự trọng cao. Họ không phản ứng với những người còn lại, mà thay vào đó là những người khác lại phản ứng với họ.

Hành vi này biểu thị cho địa vị cao, một người đàn ông đáng tin cậy, thoải mái với thế mạnh và khuyết điểm của mình, một người đàn ông ta có thể nương tựa và là người sẽ vươn lên để chu toàn cho gia đình.

Anh ta nhiều khả năng sẽ thành đạt và là một người cha đáng tin cậy.

Tôi tin rằng phụ nữ bẩm sinh lựa chọn người đàn ông có địa vị cao dựa trên hành vi của họ trước nhất, rồi mới đến ngoại hình và thành tựu – vì ngoại hình và thành tựu là thành quả của hành vi địa vị cao, chứ không phải ngược lại. Hành vi địa vị cao thể hiện ở người đàn ông thoải mái với sự dễ bị tổn thương của mình, không ngần ngại thể hiện bản thân, kể cả những khuyết điểm, với thế giới. Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau – những quyết định trong cuộc sống (Phần III), dũng khí của anh ta nhiều đến đâu (Phần IV), và cách anh ta giao tiếp với người khác (Phần V).

Nhiều khả năng nếu bạn đang đọc bài viết này và bạn không giỏi ứng xử với phụ nữ, vậy thì bạn không giỏi ứng xử với phụ nữ vì bạn không hề biết cách thể hiện cảm xúc và ý định thật sự của mình. Có lẽ bạn ngại tiếp cận với những người phụ nữ đẹp, hay rủ nàng hẹn hò. Có lẽ bạn chỉ biết quanh đi quẩn lại những chủ đề trò chuyện nhàm chán vì chúng “an toàn” và nông cạn và bạn không lo sẽ gây khó chịu hay kích động ai. Có lẽ bạn mắc kẹt giữa một công việc hoặc lối sống mà bạn không thực sự yêu thích, nhưng vì người khác luôn bảo bạn rằng đó là một ý hay và bạn không muốn làm họ khó chịu hay thất vọng. Có lẽ bạn không tập thể thao hay chải chuốt bản thân đầy đủ vì bạn không muốn quá nổi bật. Ăn mặc quá đẹp khiến bạn cảm thấy không thoải mái, mỉm cười với người lạ khiến bạn rùng mình, và ý nghĩ tán tỉnh một người phụ nữ một cách thẳng thắn khiến bạn sợ hãi vì có khả năng bị từ chối.

Tất cả những điều trên là triệu chứng của vấn đề gốc rễ: thiếu khả năng khiến bản thân trở nên dễ bị tổn thương.

Có rất nhiều đàn ông, như bạn, và như tôi, được nuôi dạy theo cách không được thể hiện cảm xúc một cách tự do. Dù có là lý do gì – có thể là hoàn cảnh gia đình, có thể là chấn thương tâm lý thời thơ ấu, có thể là ba mẹ ta cũng không hề thể hiện cảm xúc của họ – chúng ta lớn lên với thói quen ăn sâu người rằng phải kìm nén và giữ mình. Đừng gây tranh cãi. Đừng khác biệt. Đừng làm những việc “điên rồ” hay “ngu ngốc” hay “ích kỷ”.

Tôi cũng từng như vậy. Cả thời trai trẻ tôi rất sợ có người không thích tôi. Chỉ là ý nghĩ có người ghét tôi, dù là gái hay trai, đều khiến tôi trằn trọc suốt đêm. Kết quả là mọi khía cạnh cuộc đời tôi đều xoay quanh việc làm hài lòng người khác, che giấu lỗi lầm, giấu kín những việc tôi làm, đổ lỗi cho người khác. Và hiển nhiên, tôi hầu như chẳng có tí thành tựu gì với phái nữ cả. Và khi tôi thực sự có bạn gái, cô ấy đá tôi để theo đuổi một người đàn ông có thể thực sự thể hiện mình.

Chuyện này nghe có vẻ giả dối và xa lạ. Hãy tin tôi, không có chuyện đó đâu. Kết nối với phụ nữ theo cách này, trở nên dễ bị tổn thương – ngược lại với phô trương hay trở thành hình mẫu alpha giả – sẽ mang đến những tương tác và mối quan hệ tuyệt vời nhất trong cuộc đời bạn.

Sự dễ bị tổn thương là con đường kết nối con người và trở thành một người thật sự hấp dẫn. Theo lời nhà tâm lý học Robert Glover: “Con người bị hấp dẫn bởi những khuyết điểm của nhau.” Hãy thể hiện những khuyết điểm của mình. Đừng cố gắng trở nên hoàn hảo. Thể hiện bản thân và chia sẻ bản thân mà không kìm nén. Đón nhận những lời từ chối và đắng cay và tiếp tục bước đi vì bạn là một người đàn ông lớn lao và mạnh mẽ hơn thế. Và khi bạn tìm thấy một người phụ nữ yêu bạn vì con người của bạn (và bạn sẽ tìm được một người như vậy), hãy tận hưởng tình cảm của nàng.

Nhưng mở lòng với sự dễ bị tổn thương, tôi luyện bản thân để trở nên thoải mới với những cảm xúc, với những lỗi lầm, và với việc thể hiện bản thân không kìm chế không phải chuyện một sớm một chiều. Cả quyển sách này như một cẩm nang về tính dễ bị tổn thương được ngụy trang dưới dạng sổ tay quyến rũ. Nhưng đó là một quá trình, và đôi lúc sẽ rất khắc nghiệt.

Dịch: Hồng Phương

Nguồn: https://markmanson.net/power-in-vulnerability

image

ST
 Từ khóa: dễ tổn thương, khóc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây