Ngụy biện và khi nạn nhân trở thành thủ phạm

Trong cuộc sống ngày này có một thứ tâm lý đến khó tin đó là "Có một tâm lý trái ngược đang diễn ra trong cách suy nghĩ của chúng ta, đó chính là biến nạn nhân trở thành… thủ phạm."

Thủ phạm là kẻ đã thực hiện điều ác, ví như trộm cắp, cướp giật, ép buộc người ta; còn nạn nhân chính là người chịu thiệt hại về mặt tinh thần hay vật chất từ những hành động đó. Logic tưởng chừng quá rõ ràng này lại đang bị đảo ngược, bạn có tin không?

Tâm lý ngụy biện: Khi nạn nhân trở thành... thủ phạm
(Ảnh minh họa: Qua sedulia.blogs.com)

Ngồi lắng nghe các cụ già hoài cổ, chúng ta hẳn sẽ cảm thấy khó tin khi biết rằng, vào thời các cụ, cách đây chục năm, người ta chẳng phải lo khóa cửa khóa ngõ gì hết. Nếu ai đó có bị trộm, thì chắc hẳn là mọi người đều bày tỏ sự cảm thông với người ta. Ấy vậy mà bây giờ, cửa nhà thì mở, khách thì ngồi trong phòng nói chuyện, mà không ít người vẫn nơm nớp lo sợ cho cái xe được khóa cổ khóa càng để ở ngoài sân…

 

 

Lo sợ, không chỉ bởi vì trộm cướp hoành hành, mà còn bởi vì nếu bạn mất xe, thì người đầu tiên đáng trách chính là bạn! Thời buổi này rồi, ai còn bất cẩn như thế chứ! Sao lại không để ý? Sao lại quên khóa từ? Sao không mang đi gửi? Để thế thì mất là phải rồi! Đáng đời! Thậm chí nếu bạn không lo sợ mất xe, thì bạn cũng phải lo sợ mất… mũ chứ!

Có thể bạn sẽ cảm thấy cách tư duy như vậy là bình thường. Nhưng thực ra, nếu mà nghe được mấy lời như thế, hẳn là tên trộm sẽ thấy thích thú ghê lắm, vì nạn nhân bỗng chốc biến thành… kẻ có tội.

 

Lại nói một chuyện mới xảy ra gần đây, khi các nữ giáo viên “có ngoại hình ưa nhìn” ở xã Hồng Lĩnh bày tỏ bức xúc vì phải tiếp rượu cho quan khách, sau khi đã làm lễ tân tại sự kiện do thị xã tổ chức, thì họ nhận được một câu trả lời nghiêm khắc từ bộ trưởng Nhạ rằng:

“Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm.

Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc. Tôi đề nghị nghiêm túc từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc đã.”

Điều đó có nghĩa là, khi một vụ cướp xảy ra, thì điều cần xác định đầu tiên chính là trách nhiệm của nạn nhân, chứ không phải là trách nhiệm của thủ phạm? Mặc dù so sánh đó không thật sự khớp, nhưng chúng ta cũng cần nhớ rằng, áp lực mà các cô giáo sẽ phải chịu khi từ chối lệnh của cấp trên là gì? Liệu khi họ bị oan sai vì “giữ phẩm chất” thì trường hợp của họ có được giải quyết không? Ai sẽ dám đứng ra làm chứng rằng vì họ “giữ phẩm chất” mà bị sa thải?

 

Có thể bộ trưởng Nhạ có lẽ sẽ có giải pháp tốt hơn cho những vấn đề tương tự trong tương lai, nhưng có một thực tế không thể chối cãi rằng, tâm lý ngụy biện “biến nạn nhân trở thành thủ phạm” đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta. Điều đáng nói ở đây là thói quen chụp mũ một cách ẩn giấu này đang ngày càng được chấp nhận và sử dụng.

Ai chẳng có lúc đãng trí bất cẩn, điều quan trọng là chúng ta cần đặt bản thân vào hoàn cảnh của người bị hại mà suy nghĩ, mà thông cảm. Nếu không, tâm lý chỉ trích và tư duy ngụy biện sẽ rất dễ dàng khiến người ta đúng sai lẫn lộn.

“Giá trị đảo lộn hết cả, chẳng biết đằng nào mà lần”, câu nói mà NSƯT Đức Khuê lặp đi lặp lại nhiều lần trong tiểu phẩm “Bệnh nói nhiều” thật sự đang miêu tả hiện thực xã hội Việt Nam. Nó như một thứ âm hồn bất tán rất cần phải nhận ra và tiêu hủy.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây